Buổi đầu khởi nghĩa Trương_Nhạc_Hành

Ông sinh ra trong một gia đình địa chủ, thiếu thời từng mở tao phường (xưởng cất rượu), lương hành (tiệm bán lẻ lương thực), đổ cục (sòng bạc); rồi kết đảng đi buôn muối tư, làm Diêm tranh chủ (thủ lĩnh buôn muối). Trong lúc buôn muối thường phát sinh mẫu thuẫn với quan phủ, vào năm Hàm Phong thứ 2 (1852) Nhạc Hành cùng bọn Cung Đắc Thụ, Vương Quan Tam, Tô Thiên Phúc, Hàn Lãng Tử gia nhập Niệp đảng, tiến hành tự vệ, còn giúp nông dân chống lại thuế ruộng, chống sai dịch, đấu tranh với bọn phú hộ.

Năm thứ 3 (1853), bọn Nhạc Hành tụ tập hơn vạn người vây đánh Vĩnh Thành thuộc Hà Nam, cướp ngục cứu tù, thanh thế lớn dần. Tháng 11, bọn thủ lĩnh Phùng Kim Tiêu, Trương Phượng Sơn của 18 nhánh Niệp đảng tại Trĩ Hà Tập uống máu ăn thề, đề cử Nhạc Hành làm minh chủ, dựng cờ khởi nghĩa, gọi là "Thập bát phố tụ nghĩa". Năm sau (1854), các cánh quân Niệp khống chế một khu vực rộng lớn thuộc Hoài Bắc.

Tháng 8 năm thứ 5 (1855), các Niệp đảng các châu, huyện lân cận Vĩnh, Bạc hội họp ở Trĩ Hà Tập, đề cử Nhạc Hành làm thủ lĩnh, xưng là "Đại Hán Vĩnh vương" hay "Đại Hán Minh Mệnh vương", đặt ra quân chế của cờ vàng, trắng, đỏ, đen, chàm. Nhạc Hành tự nắm cờ vàng, Cung Đắc Thụ nắm cờ trắng, Hầu Thế Duy nắm cờ đỏ, Tô Thiên Phúc nắm cờ đen, Hàn Vạn nắm cờ chàm; ban bố "cáo thị" và "hành quân điều lệ". Niệp quân chính thức khởi nghĩa, phái binh đánh khắp các châu huyện chung quanh, khống chế khu vực nam đến Dĩnh Thượng, Hoắc Khâu, bắc phạm Nãng Sơn, Tiêu Sơn thuộc Chiết Giang, đông nối Hoài Viễn, tây liền phủ Quy Đức thuộc Hà Nam.